Hiện nay, trò chơi đánh cù vẫn luôn được các chàng trai Mông duy trì chơi giao lưu, quảng bá, giới thiệu trong các ngày hội, lễ tết ở các bản, khu dân cư và thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem. Có những xã, bản còn thành lập đội đánh cù đi thi đấu giao lưu với những huyện khác trong tỉnh có lễ hội kèm theo tổ chức thi đánh cù của người Mông.
Trò chơi đánh cù được thanh thiếu niên Mông ở Mù Cang Chải duy trì thường xuyên trong các làng bản.
Trò chơi đánh cù hay còn gọi là đánh quay - một trong những trò chơi dân gian phổ biến của người Mông trong những ngày hội hay dịp lễ tết. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương về xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; là điểm đến an toàn, thân thiện thì trò chơi đánh cù được đồng bào Mông chú trọng gìn giữ, phát huy để góp phần làm phong phú văn hóa truyền thống của địa phương trong các dịp lễ hội; đồng thời, tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng thức khám phá, trải nghiệm.
Ông Lý A Sang, xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Các trò chơi dân gian hay thể thao truyền thống của người Mông rất phong phú. Song, những năm trước đây, do cuộc sống khó khăn, người dân mải mưu sinh cũng như sự ảnh hưởng của xã hội hiện đại mà văn hoá truyền thống đã bị mai một đi nhiều. Vài năm trở lại đây, du lịch phát triển mạnh và để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, khám phá những điều mới lạ cho du khách, thanh niên đã khôi phục lại nhiều trò chơi dân gian không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống mà còn để lại ấn tượng sâu sắc, riêng có trong nhiều du khách khi đến với địa phương”.
Con quay (cù) có hình dạng giống đầu đạn, có đường kính khoảng từ 5 - 10 cm, dài 7 - 14 cm làm từ các loại gỗ: sến, chẩn, chàm mang, táu mật... có độ cứng, chắc, bền và dùng một sợi dây mềm dẻo, chắc dài khoảng 1,5 - 2 m, một đầu buộc vào một đoạn cây to bằng ngón tay dài tầm 50 cm và đầu còn lại nối với 1 chiếc lông gà làm điểm tiếp xúc đầu tiên khi cuốn dây vào thân cù tạo độ nhạy, trơn tru khi ném cù.
Con quay của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải.
Giải đánh quay năm 2022 đã tạo sân chơi cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Sân chơi cù là các bãi đất trống bằng phẳng, mặt nền nhẵn, cứng để khi thả cù quay không bị lún, cù quay được lâu; đồng thời, cũng không được có đá sỏi để tránh khi ném cù dính vào đá làm hỏng cù. Luật chơi cù phổ biến nhất vẫn là 2 cách chơi cá nhân và chơi đồng đội. Chơi cá nhân thì cố định về khoảng cách giữa vạch ném đến điểm thả cù. Bên đánh cù đối phương (đối phương là người thả cù) mà đánh không trúng thì bên thả cù được quyền đánh tiếp.
Ngược lại, bên đánh cù mà đánh trúng cù của đối phương thì đối phương tiếp tục phải thả cù cho bên đánh để tính điểm số lượt đánh trúng cho đến khi đánh trượt mới đổi bên. Về cách chơi đồng đội thì ít nhất phải có từ 4 người chơi trở lên để chia thành 2 đội đều nhau.
Đội đánh sẽ đứng ở vạch ném cố định, đội thả cù sẽ thả cù tập trung xuống các điểm chỉ định xa dần (theo vạch chia khoảng cách xa dần để tạo độ khó) sau mỗi lượt đánh cho đến khi cả đội không còn ai đánh trúng thì đổi quyền đánh cho đội thả cù. Trong lối chơi đồng đội, chỉ cần trong đội vẫn còn một người đánh trúng cù của đối phương thì cả đội vẫn được quyền đánh tiếp lượt sau, nên thể thức chơi này rất hấp dẫn cả người chơi và người xem.
Đặc biệt, sự thú vị, cuốn hút nhất của trò đánh cù đồng đội là khi điểm thả cù cách vạch ném cù tầm 20 m trở lên. Đó là một thử thách rất lớn đối với người đánh cù. Bởi vậy, người đánh cù giỏi, trước tiên phải là người có sức khỏe, tinh mắt, khéo léo, điêu luyện để điều chỉnh chiếc cù trong tay có độ lớn vừa ném cù bay xa nhưng lại đánh trúng cụm con quay của đối phương đang quay dưới mặt đất. Cách tính điểm là căn cứ vào số lượt đánh trúng của mỗi bên.
Đã hình thành những đội nhóm đánh cù để thi đấu giao lưu
Ngoài giải đánh cù lần thứ nhất mà huyện Mù Cang Chải tổ chức năm 2022, hiện nay, trò chơi đánh cù vẫn luôn được các chàng trai Mông duy trì chơi giao lưu, quảng bá, giới thiệu trong các ngày hội, lễ tết ở các bản, khu dân cư và thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem. Thậm chí, có những xã, bản còn thành lập đội đánh cù đi thi đấu giao lưu với những huyện khác trong tỉnh có lễ hội kèm theo tổ chức thi đánh cù của người Mông.
Anh Trần Đức Tiến - du khách đến từ Hải Phòng bày tỏ: "Là người hay chơi thể thao nên khi lên Mù Cang Chải thấy trò đánh cù tôi rất hứng thú. Tôi nhận thấy, đánh cù ngoài sức khỏe tốt, kỹ năng khéo, tinh mắt thì để ném cù được chuẩn phải luyện tập thường xuyên, chọn chiếc cù vừa tay không quá nhỏ hoặc quá to”.
Để trò chơi đánh cù tiếp tục được nhiều du khách biết đến, cùng với phát huy, gìn giữ văn hóa truyền thông của người dân thì hiện nay nhiều bản làng, khu dân cư ở Mù Cang Chải đã chú trọng đưa trò đánh cù vào trong các hoạt động lễ hội vừa để bà con có sân chơi giao lưu vui vẻ, vừa để du khách được trải nghiệm những trò mới lạ, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch thu hút du khách.
A Mua